Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Nam Dương

https://tapdoannamduong.com


Các dự án giao thông trọng điểm tạo sức bật cho thị trường BĐS Bình Dương đang được tích cực triển khai

Vành đai 3 TP. HCM, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... là những dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tiến độ triển khai, hiện đã cơ bản hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư. Thị trường bất động sản Bình Dương đang đứng trước cơ hội bứt phá vô cùng lớn sau khi các dự án này chính thức đi vào hoạt động.

Bên cạnh những tuyến giao thông nội tỉnh, thị trường bất động sản Bình Dương còn được hưởng lợi từ nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, tiêu biểu như: cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước), đường Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 TP. HCM...

Tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT ngày 29/07/2021, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, Bộ đã phối hợp với các tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án giao thông quốc gia quan trọng gồm: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án vành đai 4 TP. Hà Nội, dự án vành đai 3 TP. HCM, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề và dự án Buôn Ma Thuột - Vân Phong.

Trong đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, đường Vành đai 3 TP. HCM là một trong những dự án trọng điểm phải trình chủ trương đầu tư để báo cáo Quốc hội ngay trong tháng 10/2021. Còn cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành buộc phải được hoàn thiện chủ trương đầu tư để trình Chính phủ, chậm nhất là trong tháng 05/2022.

 

dự án giao thông trọng điểm tạo sức bật cho bất động sản Bình Dương
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban ngày 29/07. Ảnh: Internet


Theo quy hoạch, Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 89km, đi qua 4 tỉnh thành gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An; tổng chiều dài toàn tuyến là 89km; quy mô 6-8 làn xe; vốn đầu tư dự kiến 60.024 tỷ đồng. Đến nay, toàn tuyến chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài khoảng 16km đã hoàn thành, hiện chỉ cần giải phóng mặt bằng và làm tuyến song hành để tăng năng lực khai thác, đến giai đoạn hoàn thiện mới làm cao tốc.
 
>> Vành đai 3 và Vành đai 4 "làm nóng" thị trường BĐS khu vực phía Nam

Đến ngày 03/08/2021, đại diện Bộ GTVT cho hay, báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức PPP đã được hoàn thành, trình lãnh đạo Bộ xem xét. Theo kế hoạch, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 68km, gồm hai đoạn: đoạn nối cao tốc có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP. HCM), điểm cuối tại nút giao An Phú (vành đai 3 TP. HCM) và đoạn cao tốc có điểm đầu tại nút giao An Phú, điểm cuối tại điểm giao quốc lộ 14 tại huyện Chơn Thành (Bình Phước).

Dự án có quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Giai đoạn một, dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (TP. HCM) theo quy mô 10 làn xe, đoạn còn lại quy mô 4 làn xe. Nếu được thông qua, giai đoạn một sẽ được triển khai từ 2021 đến 2025 với tổng vốn đầu tư khoảng 24.274 tỷ đồng.

 

cao tốc tphcm thủ dầu một chơn thành
Theo đề xuất, cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ đi dọc tỉnh lộ 43 (thuộc TP. Thủ Đức) rồi rẽ phải theo DT743B, DT743A, DT747B, tới trước cầu Khánh Vân chuyển hướng và đi men theo Suối Cái, cắt DT747A tại Cổng Xanh. Sau đó cao tốc đi song song DT741 đến huyện Phú Giáo (Bình Dương) rồi hướng thẳng lên phía bắc giáp phía đông KCN Becamex Bình Phước để kết nối với Quốc lộ 14. Ảnh minh họa: Internet


Có thể thấy, các tuyến giao thông trọng điểm đang được Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tích cực triển khai để sớm đưa vào hoạt động. Dự án cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Vành đai 3 TP. HCM hứa hẹn sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển bứt phá kinh tế - xã hội, giúp rút ngắn thời gian và lộ trình giữa các địa phương liên quan, từ đó làm "tăng nhiệt" thị trường bất động sản Bình Dương nói riêng và khu vực miền Nam nói chung.

Ngoài ra, một dự án giao thông trọng điểm nữa cũng góp phần tạo sức bật cho thị trường bất động sản Bình Dương chính là đường Vành đai 4 TP. HCM. Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao UBND các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án này. Theo quy hoạch, Vành đai 4 dài khoảng 200km, đi qua 5 tỉnh thành gồm TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được 21km bằng nguồn ngân sách địa phương.

Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu đến năm 2025 phải khép kín tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM. Những trở ngại pháp lý nếu cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ.

 

Vành đai 3 và vành đai 4
Tổng quan lộ trình Vành đai 3 và Vành đai 4 TP. HCM. Ảnh: Internet


Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên mua bất động sản ở giai đoạn ban đầu khi các dự án hạ tầng giao thông đang trong quá trình triển khai. Khi hạ tầng đã hoàn thiện, giá trị của bất động sản chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ. 

Nguồn: Tổng hợp

 
>> Tham khảo thông tin của các dự án khu đô thị, khu dân cư giàu tiềm năng tại Bình Dương TẠI ĐÂY


Xem thêm: Tiềm năng của thị trường bất động sản Phú Giáo, Bình Dương
Xem thêm: Bình Dương lần đầu lọt TOP7 thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới
Xem thêm: Dự báo thị trường bất động sản nửa cuối 2021: Đất nền, nhà phố vẫn chiếm ưu thế
Xem thêm: Thị trường bất động sản quý 2/2021: Bình Dương vẫn hút khách trong mùa dịch Covid-19