Đẩy mạnh triển khai tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
- Thứ bảy - 13/03/2021 09:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 12/03/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã tổ chức sơ kết quy chế hợp tác giữa hai tỉnh, giai đoạn 2014-2020 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2021-2025.
Cuối buổi làm việc, Lãnh đạo hai tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên nhằm tiếp tục thực hiện các chương trình như đã thống nhất, trong đó trọng tâm là việc thực hiện dự án tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước).
Trước đó, ngày 01/03/2016, tuyến cao tốc này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg. Tổng chiều dài tuyến là 69km với điểm đầu tại ngã tư Bình Phước và điểm cuối là huyện Chơn Thành, dự kiến xây dựng từ 6 đến 8 làn xe, hoàn thành vào năm 2030 với tổng kinh phí trên 24 nghìn tỷ đồng.
Sau khi nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã cơ bản thống nhất về hướng tuyến, chiều dài, quy mô tuyến đường và tổng mức đầu tư.
Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các bên đề xuất xây dựng 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Còn tỉnh Bình Dương, tuyến cao tốc có khoảng 57km đi qua; trong đó, 28km phải xây trên cao do đi qua các khu dân cư và các tuyến giao thông hiện hữu của tỉnh; dự kiến phải xây dựng 10 cầu vượt.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam nhận định, tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành không chỉ là động lực đối với sự phát triển của 3 tỉnh, thành mà còn có ý nghĩa kết nối giao thông, tạo liên kết vùng, vì sự phát triển chung của cả khu vực phía Nam.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào tháng 01/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng dự án cao tốc này theo hình thức PPP.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch đô thị thì cho rằng, cao tốc TP. HCM qua Bình Dương và nối với Bình Phước là công trình thực sự cần thiết cho sự kết nối và lưu thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có thể thấy Bình Dương, Bình Phước đang là những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, song nhiều năm nay hạ tầng giao thông chưa thật sự tương xứng. Đơn cử như quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn thường xuyên bị kẹt xe nghiêm trọng, còn quốc lộ 14 cũng rơi vào tình trạng quá tải vào các dịp lễ, tết.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT thuộc Trường ĐH Việt Đức, cho rằng TP. HCM phát triển hạ tầng cũng cần có sự công bằng. Cụ thể như việc tạo điều kiện cho các tỉnh dễ dàng kết nối với TP. HCM, tạo thuận lợi tối đa trong việc lưu thông và giao thương hàng hóa. Trong đó, đối với trục Bắc - Nam cần sớm triển khai trục Bình Phước - Bình Dương - TP. HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu.
Với những nỗ lực, quyết tâm không ngừng của các cấp chính quyền trong việc nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây chính là động lực cho sự "bứt phá" của thị trường bất động sản trong tương lai, đặc biệt là những tỉnh công nghiệp giàu tiềm năng như Bình Dương và Bình Phước.