Đẩy mạnh nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13: Thị trường bất động sản Bình Dương "rộng đường" bứt phá
- Thứ hai - 03/05/2021 08:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quốc lộ 13 là một trong những tuyến đường huyết mạch của Việt Nam, có lộ trình theo hướng Nam - Bắc, bắt đầu từ ngã 5 Đài Liệt sĩ (TP. HCM) qua quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP. HCM), thành phố Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, TX. Bến Cát và huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), các huyện Chơn Thành, Hớn Quản, TX. Bình Long và huyện Lộc Ninh, đến cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) ngay biên giới Việt Nam - Campuchia.
Ngày 09/04/2021, Sở GTVT TP. HCM cho biết dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật...
Thực tế, kế hoạch nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua TP. HCM đã được đề ra từ lâu nhưng vì một số vấn đề liên quan đến kinh phí, chủ đầu tư... nên dự án đã bị "đóng băng" nhiều năm. Trong khi Bình Dương đã mở rộng tuyến đường này lên 6 làn xe, sắp tới tăng lên 8 làn xe thì đoạn qua TP. HCM vẫn rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trong giờ cao điểm.
Về phía Bình Dương, cuối tháng 01/2021, tỉnh đã đã điều chỉnh cục bộ kế hoạch đầu tư công, tăng vốn đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố, từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị, từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong.
Việc Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương được mở rộng nhanh chóng hơn do đây là trục thông thương huyết mạch, giao thoa nhiều tuyến đường quan trọng khác của tỉnh. Theo Quyết định số 4291/QĐ-UBND v/v phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025, có đến 17 công trình đi qua Quốc lộ 13 bao gồm các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 5, 8; công trình trung chuyển, bến kỹ thuật được bố trí tại khu vực Lotte Mart và hơn 10 tuyến xe bus đô thị kết hợp xe bus nhanh (BRT)…
Trước đó, tại Quyết định 1071/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Dương đã quyết định mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ trung tâm Lái Thiêu tới đường Nguyễn Văn Tiết) thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn bậc nhất của tỉnh. Từ trục đại lộ này sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị phụ trợ.
Bình Dương chủ động ban hành nhiều quyết định để thúc đẩy việc hoàn thiện Quốc lộ 13 bởi đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đô thị hóa và thực hiện dự án "Vùng đổi mới sáng tạo" của tỉnh. Tiêu biểu như Quyết định 3897/QĐ-UBND v/v giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2021 hay mới đây nhất vào tháng 01/2021 là Quyết định 283/QĐ-UBND v/v điều chỉnh cục bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và chuyển giai đoạn thực hiện dự án.
Theo các quyết định này, vốn đầu tư cho dự án giải phóng Quốc lộ 13 đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong sẽ được tăng thêm hơn 211 tỷ đồng và chuyển từ danh mục Chuẩn bị đầu tư sang Thực hiện dự án. Các đoạn Quốc lộ 13 từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố, cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị… cũng được lên kế hoạch đầu tư.
Hiện tại, Quốc lộ 13 đang là khu vực "đóng đô" của nhiều tiện ích như trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte Mart, Metro, BigC; các bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, Becamex, Columbia Asia; đại học quốc tế Việt - Đức, đại học Bình Dương; các khu công nghiệp lớn như VSIP1, Việt Hương… với hàng chục nghìn chuyên gia, lao động kỹ thuật cao đang làm việc. Đồng thời, đây cũng là trục giao thông quan trọng bậc nhất của Bình Dương, kết nối nhiều tuyến đường khác trong nội bộ tỉnh.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sau khi hoàn thành sẽ tạo "đòn bẩy" khổng lồ cho thị trường bất động sản, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư tại Bình Dương, tạo "đà" cho sự bứt phá về kinh tế, xã hội cũng như phát triển đô thị thông minh.
Theo đó, dân số của tỉnh sẽ tiếp tục tăng lên bởi một lượng lớn dân nhập cư là các chuyên gia, kỹ sư, người lao động (cả trong và ngoài nước) sẽ đến làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn, khiến nhu cầu về chỗ ở và sử dụng các loại hình dịch vụ cũng tăng theo.
Xem thêm: TX. Tân Uyên và TX. Bến Cát sắp lên thành phố
Xem thêm: Đất nền, nhà phố Tân Uyên hút khách
Xem thêm: Đề án thành lập Thành phố Tân Uyên được thống nhất: "Cú hích" cho thị trường bất động sản trong tương lai
Xem thêm: Hạ tầng giao thông "tăng tốc", địa ốc Bình Dương hưởng lợi
Xem thêm: Lượng tìm kiếm bất động sản Bình Dương tăng vọt sau mỗi đợt Covid-19