Hành trình 25 năm bứt phá đầy ngoạn mục của Bình Dương
Nỗ lực vươn lên từng ngày
"25 năm qua là một hành trình rất đáng ngưỡng mộ của Bình Dương. Sự ngưỡng mộ đối với Bình Dương càng lớn khi so với các trung tâm kinh tế khác trong vùng như TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… thì xuất phát điểm của Bình Dương khiêm tốn hơn nhiều", thạc sĩ Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) chia sẻ.
Nhìn lại hơn 2 thập kỷ qua, Bình Dương luôn là một địa phương liên tục thay đổi. Từ xuất phát điểm là một địa phương nông nghiệp không có gì, Bình Dương trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn hàng đầu và là điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước.
Năm 1997, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương chỉ khoảng 18% nhưng đến 2010, gần 70% dân số Bình Dương sống trong môi trường đô thị. 10 năm sau, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 82%, thuộc nhóm có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Dân số tăng gấp 4 lần trước đây - từ 679.000 lên khoảng 2,6 triệu người, trong đó hơn 50% là dân nhập cư.
Sau 10 lần điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh mới chính thức ổn định vào năm 2020 với 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện - là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Quảng Ninh (4 thành phố trực thuộc). Sắp tới, hai thị xã Bến Cát và Tân Uyên của Bình Dương cũng sẽ lên thành phố. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát triển theo hướng đô thị vệ tinh, sớm đạt mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Là một tỉnh nằm sâu trong đất liền, không có cảng biển hay sân bay, nhưng Bình Dương đã quy hoạch hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng một cách hài hòa nhằm kết nối giữa các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Từ năm 2000, Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Dương đến TX. Bến Cát được mở rộng lên 6 làn xe và được gọi là đại lộ Bình Dương. Đại lộ này chạy qua TP. Thủ Dầu Một, các khu công nghiệp lớn như VSIP, Mỹ Phước... kết nối với Quốc lộ 1, trở thành tuyến huyết mạch dẫn đến cảng biển, sân bay trong khu vực và TP. HCM. Từ đó, các đoạn đường cao tốc, tỉnh lộ 4 - 6 làn xe dần được hình thành, tạo động lực cho ngành công nghiệp của tỉnh có sức bật xa.
Từ làng gốm sứ đến "thủ phủ công nghiệp"
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: "Tôi rất ấn tượng với tinh thần năng động của Bình Dương, sự thân thiện của môi trường đầu tư ở địa phương. Có lẽ, giai đoạn sau tách tỉnh, xuất phát điểm gần như 'không có gì' - như lãnh đạo tỉnh thời đó chia sẻ - đã tạo ra một động lực, một khát vọng mạnh mẽ cho địa phương trong việc thu hút bằng được các dự án đầu tư nhằm có thêm việc làm, nguồn ngân sách để phát triển tỉnh".
Nhiều lãnh đạo Bình Dương thời điểm đó bày tỏ sự trăn trở khi tỉnh gần như không có lợi thế gì so với các địa phương khác, chỉ có khát vọng. Ông Tuấn nhận định chính sự khát vọng, động lực thay đổi mạnh mẽ này là "vốn quý" mà ít địa phương nào có được. Trong bối cảnh nhiều địa phương chỉ tập trung vào nguồn lực từ ngân sách và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, Bình Dương lại tập trung mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng chính sự khát vọng phát triển này đã truyền sang cho bộ máy hành chính các cấp bên dưới và tạo lập được một môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với nhà đầu tư và hệ thống thủ tục hành chính chuyên nghiệp. Thành quả của khát vọng này thể hiện ở tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tịnh tiến qua từng năm.
Khi vẫn còn là một phần của tỉnh Sông Bé, Bình Dương là vùng nông nghiệp nghèo. Sản xuất công nghiệp chỉ có gốm và sơn mài do lợi thế từ tài nguyên khoáng sản chủ yếu là đất sét và cao lanh, chiếm 13% tổng GDP của tỉnh. Nơi đây khi đó chỉ được biết đến như "cái nôi" của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ.
Năm 1995, chính sách công nghiệp của Bình Dương mới có bước đột phá khi Khu công nghiệp Sóng Thần được thành lập. Kể từ đó, phát triển công nghiệp là mũi đột phá được Bình Dương kiên trì theo đuổi xuyên suốt các thời kỳ. Trong đó, tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương.
Từ 7 khu công nghiệp với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, đến nay, tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha (diện tích cho thuê trên đạt 87,4%) và 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha (diện tích cho thuê đạt khoảng 67,4%).
Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, Bình Dương quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, trong đó nền tảng là phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4.196 ha (tổng vốn ước tính 3.000 tỷ đồng).
Bình Dương hiện là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau TP. HCM. Tỉnh hiện có tổng số 4.016 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ USD, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh. So với năm 1997, số dự án và số vốn tăng gấp 30 lần. Tỉnh hiện có 48.456 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký là 434.708 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần về số doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997.
Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ những năm qua tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp đầu tư thông qua cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng khoa học công nghệ vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh... Nhờ đó, Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhờ thu hút nhà đầu tư phát triển kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm và là một trong những địa phương có mức thu ngân sách nằm trong "câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng" của cả nước. Năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 59.700 tỷ đồng, gấp 73 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng).
Năm 2020, Bình Dương chính thức trở thành địa phương có thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất cả nước - 7,019 triệu đồng/tháng. Đây cũng là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia từ năm 2017.
Sau 25 năm hình thành và phát triển, đời sống người dân được nâng cao là thành quả rõ nét nhất của Bình Dương, nơi vẫn đang thu hút hàng triệu người lao động đến làm việc, tạo nên một "thủ phủ công nghiệp" sôi động nhất cả nước.
Những con số ấn tượng sau gần 2 thập kỷ phát triển của Bình Dương
- GRDP bình quân đầu người năm 2020 của Bình Dương đạt 155,7 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng).
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 đạt 252.889 tỷ đồng, tăng trên 83,1 lần so với năm 1997 (3.042 tỷ đồng).
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt hơn 27,4 tỷ USD, gấp 75,5 lần so với năm 1997 (363,2 triệu USD).
- Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng gấp 70 lần so với năm 1997 (305,4 triệu USD).
- Nhiều năm liền Bình Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xuất siêu lớn nhất cả nước, khoảng 6 tỷ USD/năm.
- Năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 59.700 tỷ đồng, gấp 73 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng).
- Bình Dương lọt vào TOP7 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn, trước đó 3 lần lọt TOP21.
Diện mạo đô thị khoác màu áo mới
Cùng với phát triển công nghiệp, Bình Dương đẩy mạnh cơ sở hạ tầng thương mại. Hiện nay, nhiều trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại... được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
"Cú hích" cho thị trường bất động sản
Cùng với hành trình bứt phá đầy ngoạn mục trong suốt 25 năm qua của Bình Dương, thị trường bất động sản của tỉnh cũng trở thành tâm điểm đầu tư vùng ven được rất nhiều người quan tâm.
Theo kết quả khảo sát thị trường năm 2021 của Batdongsan.com.vn, Hà Nội đứng đầu về mối quan tâm của người tìm kiếm bất động sản với tỷ lệ tìm kiếm lên tới 40%. Con số này ở TP. HCM là 29%, Bình Dương 4%, Đà Nẵng 3%, Đồng Nai 3%, Khánh Hòa 3%, các tỉnh thành khác cộng lại là 20%. Như vậy, tại khu vực miền Nam, Bình Dương chỉ xếp sau TP. HCM về số lượng khách hàng quan tâm đến bất động sản.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng to lớn từ thị trường bất động sản Bình Dương, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho biết: "Hiện nay, Bình Dương đã trở thành cực phát triển trọng điểm, bật lên từ chính thế mạnh hạ tầng và vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tốc độ phát triển như vũ bão của thủ phủ công nghiệp đứng đầu cả nước đang là nhân tố chủ lực kéo theo sự phát triển rầm rộ của bất động sản nhà ở, đặc biệt là phân khúc đất nền. Trong thời gian tới cùng với phía Đông Sài Gòn, thị trường bất động sản Bình Dương sẽ sôi động hơn bao giờ hết".
Hiện nay trên thị trường bất động sản Bình Dương, trong khi các thành phố phía Nam như Thủ Dầu Một, Thuận An hay Dĩ An, căn hộ chung cư cao cấp đang là loại hình "chiếm sóng" thì các địa phương phía Bắc như huyện Phú Giáo, TX. Bến Cát, TX. Tân Uyên… lại trở thành "đích ngắm" của nhiều nhà đầu tư đất nền. Theo định hướng của tỉnh, khu vực phía Bắc sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp bởi quỹ đất tại phía Nam không còn nhiều. Điều này dẫn đến nhu cầu nhà ở liền kề khu công nghiệp tại Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo... chắc chắn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới bởi nhiều chuyên gia, kỹ sư, người lao động trong và ngoài nước sẽ đổ về làm việc tại các khu công nghiệp.
Giá bất động sản tại các địa phương phía Bắc hiện ở mức 17 - 20 triệu đồng/m2 đối với các dự án ở khu vực trung tâm đô thị hoặc liền kề khu công nghiệp. Giới chuyên gia dự báo, cùng với đà phát triển công nghiệp và hệ thống hạ tầng, mặt bằng giá đất tại Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát sẽ tiệm cận Thuận An và Dĩ An, bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Do đó, nhà đầu tư nên chọn phân khúc đất nền khu dân cư, khu đô thị tại các địa phương này để đạt mức sinh lời tối ưu nhất.
Theo Zing.vn
Xem thêm: Dự báo thị trường bất động sản năm 2022: Nhu cầu đầu tư tiếp tục tăng mạnh
Xem thêm: Khởi công đường tạo lực Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN NAM DƯƠNG
HOTLINE: 09 28 28 28 28 - 1900 00 11
FANPAGE: TẬP ĐOÀN NAM DƯƠNG
Hoặc bạn có thể để lại thông tin TẠI ĐÂY để được chăm sóc và nhận báo giá
Ý kiến bạn đọc
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN NAM DƯƠNG
Tên viết tắt : TẬP ĐOÀN NAM DƯƠNG
Trụ Sở Chính : Ô 6 Lô C, Đường Lê Lợi, P. Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương
Chi Nhánh 1: A17-J4, Đường Lê Hoàn, P. Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương
Chi Nhánh 2: Ô 14 Lô C, Đường Lê Lợi, P. Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương
Chi Nhánh 3: 66 Đại Lộ Bình Dương, Khu Phố Bình Hòa, Phường Lái Thiêu, Thành Phố Thuận An, Bình Dương
Chi Nhánh 4: 382 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 2, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
09 28 28 28 28 - 1900 00 11
2019 © TẬP ĐOÀN NAM DƯƠNG. All rights reserved. DEVELOPED BY TOTO