Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Nam Dương

https://tapdoannamduong.com


VIỆT NAM TRỞ THÀNH "ĐIỂM SÁNG" ĐẦU TƯ TẠI KHU VỰC ĐÔNG NAM Á

Với những nỗ lực không ngừng trong việc ngăn chặn dịch bệnh cũng như đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế, xã hội... Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm lực để đón làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vô cùng lớn, tạo tiền đề để thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ.

Không chỉ thành công trong việc khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, Việt Nam còn được truyền thông quốc tế ca ngợi về những thành tựu đạt được sau làn sóng dịch bệnh lần 2. Điển hình như tờ Sputnik (Nga) đã ví nền kinh tế Việt Nam là "bình minh đang lên" trong khi nền kinh tế các quốc gia khu vực Đông Nam Á lại đang "ngả chiều". Tờ Asia Times cho rằng, nếu Việt Nam vẫn duy trì được động lực phát triển như hiện tại thì sẽ trở thành "ngôi sao sáng" trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, tạo tiền đề cho việc đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tờ New York Times đã đăng tải bài báo khẳng định Việt Nam là "phép màu châu Á" thế hệ mới, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong giai đoạn bùng nổ ở quá khứ, hầu hết các quốc gia đạt được danh hiệu này đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt gần 20% - gấp đôi mức trung bình của nhiều quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó. Trong 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tương tự
. Hơn nữa trong 5 năm qua, trung bình vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt hơn 6% GDP, đây là tỷ lệ cao nhất so với các quốc gia mới nổi khác.

Tạp chí Forbes của Mỹ thì nhắc đến Việt Nam như một "mảnh đất đầy tiềm năng" cho các doanh nghiệp muốn khai thác thị trường thương mại điện tử. Theo số liệu nghiên cứu của Redseer, đến năm 2026, tổng giá trị hàng hóa của ngành thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD. "Đại dịch có thể gây nhiễu loạn thế giới, nhưng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cần thiết để ngăn chặn virus, ổn định nền kinh tế, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo" - Bà Anna Frazzetto, Giám đốc Công nghệ Kỹ thuật số tại Harvey Nash phát biểu trên Forbes. Cũng nhờ làn sóng đầu tư của hàng loạt tập đoàn công nghệ khổng lồ, Việt Nam đã được tờ báo nhật Nikkei Asia đánh giá là "con hổ châu Á".

Mới đây, Brand Finance - công ty định giá hàng đầu thế giới đã nhận định, bất chấp xu hướng giảm giá trị thương hiệu quốc gia trên toàn cầu, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng giá trị tới 29% thành 319 tỷ USD, tăng hạng 9 bậc so với năm trước, vươn lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới do công ty này xếp hạng.

 

Việt Nam trở thành tâm điểm đầu tư tại khu vực Đông Nam Á
Truyền thông thế giới liên tục ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc chống Covid-19 cũng như phát triển kinh tế.
Nguồn ảnh: Cafef


Có thể thấy, Việt Nam đang được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao và đây sẽ là ưu điểm giúp thu hút dòng vốn FDI vô cùng lớn. Việc Chính phủ đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị - công nghiệp, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cùng việc ký kết thành công hàng loạt các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh Quốc (UKVFTA) vào tháng 12/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11 cũng là những điểm cộng khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam hấp dẫn hơn bao giờ hết. Tính đến nay, nước ta đã ký kết thành công 14 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

Cuối tháng 11, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đó, Pegatron - một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft, Sony đã có dự định rót 1 tỷ USD vào một số dự án tại miền Bắc Việt Nam. Gần đây, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) xác nhận, 37 trong số 81 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc và đặt chúng tại các thị trường ASEAN đã chọn Việt Nam là điểm đến.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - Ông Yamada Takio cho biết Việt Nam hiện đang đứng đầu danh sách các điểm đến đầu tư tiềm năng bởi đây là một trong số ít những quốc gia có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020 giữa bão Covid-19. Bên cạnh đó, LG, Panasonic, Google, Microsoft cùng nhiều tập đoàn khác cũng đã có những động thái thiết lập hoạt động tại Việt Nam nhằm khai thác thế mạnh của thị trường giàu tiềm năng này. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt ra một số mục tiêu cụ thể đối với nguồn vốn FDI như: vốn đăng ký đạt khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); vốn thực hiện khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm)...


Dòng vốn FDI liên tục đổ về không chỉ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu bất động sản công nghiệp mà còn tạo điều kiện cho phân khúc nhà ở phát triển. Các khu công nghiệp càng được lấp đầy thì số dân nhập cư cũng tăng theo bởi nhiều doanh nhân, chuyên gia, kỹ sư, công nhân... sẽ đến Việt Nam để làm việc và sinh sống, ngoài ra có thể bao gồm cha mẹ, vợ/chồng hoặc con cái của họ. Đây được xem là cơ hội sinh lời đắt giá của những nhà đầu tư sẵn sàng "xuống tiền" ngay bây giờ để mua bất động sản rồi bán lại, xây nhà cho thuê hoặc kinh doanh các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ăn ở và sinh hoạt của lực lượng này.

>>> Mời Quý khách hàng tham khảo những dự án đẹp, chất lượng, phù hợp an cư và đầu tư của Địa ốc Nam Dương tại: https://tapdoannamduong.com/du-an/