Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Nam Dương

https://tapdoannamduong.com


Room tín dụng được nới, dòng vốn hướng đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ

Room tín dụng được nới cùng với chỉ đạo của Thủ tướng về việc tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ dành cho người lao động sẽ là "cú hích" giúp thị trường bất động sản sôi động hơn.

Dự án "khỏe" cần được hỗ trợ tín dụng

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới 1,5% - 2% hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay, hàng loạt ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay như Agribank, Vietcombank, HDBank, ACB, ABBank, SHB, VIB, MB, BIDV, Techcombank, VPBank... với mức giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình đang ổn định trở lại, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng hợp lý cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả... Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tiến hành rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng từng nêu quan điểm: "Các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định pháp luật, có tín nhiệm, có dự án tốt thì cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là ưu tiên cho vay với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình".

Đánh giá về chỉ đạo của Thủ tướng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia về tài chính cho rằng, thông điệp của Thủ tướng đưa ra vào thời điểm này là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Với nội dung không thắt chặt và cũng không nới lỏng chính sách tiền tệ, định hướng của Chính phủ sẽ giúp thị trường có sự thanh lọc rõ rệt, nguồn vốn sẽ chảy vào đúng địa chỉ, tránh tình trạng đầu cơ, gây loạn giá, giúp ngăn ngừa bong bóng bất động sản.

 

Room tín dụng được nới, dòng vốn nên hướng đến dự án bất động sản nào
Room tín dụng được nới cùng với chỉ đạo của Thủ tướng về việc tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ là "cú hích" giúp thị trường bất động sản sôi động hơn


Ông Thịnh chỉ dẫn, thực tế hiện nay nhiều dự án tốt đang bị ngưng trệ, trong khi nhu cầu thực về nhà ở của người dân rất lớn, tình trạng người mua nhà xếp hồ sơ chờ vay vốn nhưng không vay được do hết room tín dụng khá phổ biến. Nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở, đã nộp 70% - 80% giá trị hợp đồng nhà. Họ còn thiếu 20% - 30% nữa để có thể nhận nhà nhưng gặp đúng lúc ngân hàng hết hạn mức giải ngân, khiến họ gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp cũng không thu được nguồn tiền.

Vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng sẽ mở đường cho ngân hàng thương mại có những phương án cho vay phù hợp, giúp doanh nghiệp bất động sản, người dân có thêm nguồn vốn để phát triển các sản phẩm và mua được nhà. Việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lần này được coi là tín hiệu tốt, có thể phần nào "phá băng" cho lĩnh vực bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, động thái này của Chính phủ là quyết liệt và rất cần thiết. Không chỉ nới tín dụng, việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản cũng là "cú hích" lớn đối với thị trường. Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án đủ điều kiện và chủ đầu tư uy tín sẽ giúp nguồn vốn được phân bổ đúng địa chỉ, tránh chảy vào những dự án thanh khoản thấp và với mục đích đầu cơ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhấn mạnh, dù việc nới tín dụng không có nghĩa là toàn bộ tiền sẽ đổ vào bất động sản, song động thái rất tích cực này sẽ giúp củng cố niềm tin, tạo tín hiệu lạc quan hơn đối với thị trường. "Theo tôi, việc tăng hạn mức tín dụng lúc này là kịp thời, cho thấy Chính phủ đang có những động thái tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Đến năm 2023, sẽ có tiếp tục có thêm hạn mức tín dụng của năm mới, từ đó, thị trường sẽ có thêm những giao dịch từ nhu cầu thực và các nhà đầu tư nhỏ lẻ", ông Điệp nói.

Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ được ưu tiên

Phát biểu tại Hội thảo "Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023" sáng 14/12/2022, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng nhấn mạnh, bất động sản là một trong những thị trường quan trọng, có vai trò thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành và các lĩnh vực khác cùng phát triển. Do đó, trong thời gian tới cần cơ cấu lại tín dụng bất động sản để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Cũng trong ngày 14/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 1164/CĐ-TT về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao.

Đánh giá tiềm năng phân khúc này, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội. Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỷ đồng cho người thuê/mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng. Điều này sẽ mang tới cơ hội không lo thiếu người mua, chỉ lo thiếu dự án.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu m2 sàn nhà ở, đạt 62,3% so với mục tiêu đặt ra là 12,5 triệu m2. Trong đó, nhà ở công nhân đã hoàn thành là 3,13 triệu m2, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2

 

Room tín dụng được nới, dòng vốn hướng đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ (2)
Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ được ưu tiên cho vay


Bình Dương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ dành cho người lao động

Ngày 11/12/2022, ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong bối cảnh "cung không đủ cầu". Theo đánh giá của Bình Dương, nhu cầu nhà ở đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì số người có thể sở hữu nhà ở xã hội là 288.718 người, tương đương 288.718 căn và diện tích sàn khoảng 13.842.060m2. Dự kiến nhu cầu về vốn giai đoạn 2021 - 2030 để phát triển nhà ở xã hội khoảng 45.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ xây dựng hơn 1.200ha diện tích nhà ở xã hội từ các quỹ đất như: 32 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định; các dự án quy hoạch khu công nghiệp mới và rà soát các khu công nghiệp đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng hết diện tích đất; thu hồi đất từ các cơ sở sản xuất di dời ra các khu công nghiệp, các khu công nghiệp hết thời gian hoạt động...

 

Tổng hợp


Xem thêm: Thủ tướng ký công điện yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân 
Xem thêm: Nhiều "đòn bẩy" cho sức bật của bất động sản Bình Dương
Xem thêm: 6 lý do nên đầu tư đất nền an cư tại Bến Cát (Bình Dương) ngay thời điểm này
Xem thêm: Bình Dương triển khai chiến dịch cao điểm giải ngân vốn đầu tư công nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông - Thị trường bất động sản hưởng lợi


►► Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn về các suất ưu tiên mua nhà ở xã hội/các sản phẩm đất nền nhà ở thương mại liền kề KCN VSIP 2 tại TX. Bến Cát, gần trung tâm TP. Mới Bình Dương: