Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Nam Dương

https://tapdoannamduong.com


NHIỀU ĐIỂM "NGHẼN" CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN ĐƯỢC THÁO GỠ

Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục đầu tư xây dựng. Những giải pháp này đã tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định, trở thành lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương đã có sự phục hồi. Trong quý II năm 2020, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án nhà ở; có 407 sản phẩm nền đất dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để người dân tự xây dựng. Đối với căn hộ chung cư, đất nền, theo thống kê số lượng giao dịch tính theo thời điểm mà chủ đầu tư ký kết hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng đã có 610 sản phẩm được giao dịch thành công. Mặt bằng giá của thị trường nhà ở có xu hướng giảm đầu quý II, dần ổn định cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng, cho biết: “Việc giao dịch bất động sản dần ổn định sau khi có xu hướng giảm vào đầu quý II. Tình hình dịch bệnh phức tạp đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến cả nguồn cung và cầu của thị trường, làm sức mua giảm nhiệt. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng trở lại và nhu cầu của người dân đang có chiều hướng tăng trưởng tích cực”.

Mặc dù thị trường bất động sản đã có sự phục hồi, song vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”, vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, thị trường chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Để thị trường bất động sản phát triển ổn định và trở thành lực đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế và quy trình thủ tục đầu tư xây dựng. Luật Đầu tư và Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi, bổ sung một số điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021; riêng Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.

 

tháo gỡ điểm nghẽn thị trường bất động sản


Tại Khoản (2.d) Điều 7, Luật Xây dựng sửa đổi, quy định “Chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận” có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Điểm mới này sẽ tháo gỡ được vướng mắc của các khái niệm “nhà đầu tư” và “chủ đầu tư”, giải quyết được ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, việc quy định hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, đối với nhà đầu tư, được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”, sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn do trước đây Luật Nhà ở quy định phải có 100% “đất ở hợp pháp” thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khai thông bế tắc cho các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp. Ngoài ra, chỉ thêm từ “sơ bộ” tại điểm a và điểm đ khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, quy định chỉ cần có “đánh giá sơ bộ tác động môi trường”, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, thay vì phải có “báo cáo đánh giá tác động môi trường” khi lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sẽ khắc phục được cách làm hình thức, đối phó, vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí của các nhà đầu tư (nếu làm theo quy định trước đây).

Quy định cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp (Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư), có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sẽ tháo gỡ được vướng mắc đối với hàng trăm dự án có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, đã bị ách tắc trong 5 năm qua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiệp hội hoan nghênh “Dự thảo Nghị định đất đai”, đặc biệt là nội dung Khoản 13 “Dự thảo Nghị định đất đai” sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 16 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, quy định cơ chế xử lý các thửa đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen cài trong dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở, sẽ tháo gỡ ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài các thửa “đất công”. “Dự thảo Nghị định đất đai” cũng quy định tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất) đối với các “thửa đất công” đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng quy định các tiêu chí về quy hoạch để xác định “thửa đất công” đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, để các địa phương có căn cứ thực hiện”…

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp nhằm đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở và tạo "cú hích" cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Hiệp hội còn đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Nguồn tin: Báo Bình Dương