Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Nam Dương

https://tapdoannamduong.com


BÌNH DƯƠNG: ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Việc tập trung đầu tư xây dựng, tu sửa, cải tạo bài bản, đồng bộ các trục giao thông nội bộ kết nối các khu vực trong và ngoài tỉnh chính là "đòn bẩy" giúp thị trường bất động sản Bình Dương phát triển vững mạnh.

Phát triển kinh tế và đô thị

Tỉnh Bình Dương (gồm các đô thị trung tâm Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên) là vùng đô thị phụ cận của TP. Hồ Chí Minh theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Do đó, vai trò của Bình Dương trong kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hiện nay, việc đầu tư phát triển các đô thị phía nam trực thuộc tỉnh rất được quan tâm, từng bước có kế hoạch đầu tư xứng tầm với đô thị được phân loại và nâng cao khả năng kết nối. Đặc biệt, trong thời gian qua, địa phương đã nỗ lực trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, trong đó chú trọng đến việc kết nối các trục giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt liên khu vực mang tính kết nối đến các đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.

Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn là mạch giao thông chiến lược của tỉnh, kết nối phát triển vùng công nghiệp phía nam và phía bắc của tỉnh là một phần của dự án đường Vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường có chiều dài 62 km từ ngã ba Tân Vạn (phường Bình Thắng, TP. Dĩ An) đến huyện Bàu Bàng với tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng. Công trình này đã góp phần làm giảm áp lực cho quốc lộ 13, ĐT 743, đồng thời kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh với cảng Thị Vải, Cái Mép, cảng container, sân bay quốc tế Long Thành. Việc đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng như đường 7A (từ cầu Đò đến ngã ba Rạch Bắp), ĐT 741, ĐT 742, ĐT 743, ĐT 744, ĐT 746, cầu Ông Cộ, đường Phạm Ngọc Thạch... 
 

giao thông ở Bình Dương


Tăng cường kết nối vùng

Nhằm tăng cường kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường. Hiện tỉnh đang triển khai nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 để giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm kết nối giao thông vùng. Cụ thể, quốc lộ 13 được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, đoạn từ cổng chào phường Vĩnh Phú (TP. Thuận An, Bình Dương, giáp ranh TP. HCM) đến điểm giao với đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Cả 2 làn mở rộng đều nằm bên phải hướng từ TP. HCM đi Bình Phước, được đầu tư vỉa hè, cây xanh thoát nước đồng bộ cả hai bên đường. Còn tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa), tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai xây dựng để tăng cường kết nối giữa Bình Dương với Bình Phước, Tây Ninh. Hay như tuyến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh (tuyến đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bình Chuẩn rẽ trái giao với quốc lộ 13 và vượt sông Sài Gòn), hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng đoạn từ ngã ba Tân Vạn đến Bình Chuẩn quy mô 6 làn xe.

Bên cạnh đó, Bình Dương đang triển khai đầu tư xây dựng từng đoạn tuyến của đường Vành đai 4 để kết nối Bình Dương với TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết Bình Dương đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giải phóng mặt bằng tuyến đường và tiến hành đầu tư xây dựng theo quy mô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để địa phương quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định.

Ngoài ra, Bình Dương đang đẩy nhanh xây dựng cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai. Đây là một trong những dự án trọng điểm sẽ được khởi công trong năm 2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Dự án hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Song song với việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, Bình Dương cũng hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông đường sắt. Đối với tuyến Dĩ An - Lộc Ninh và tuyến TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ - Cà Mau, theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm triển khai cắm mốc tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng để tỉnh công bố quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định. Hiện toàn tỉnh đã và đang triển khai 29 khu công nghiệp với diện tích 12.743 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 794 ha, trong đó có 26 khu công nghiệp đang hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, đặc biệt là nhu cầu vận chuyển hàng hóa, Bình Dương đã kiến nghị ngành đường sắt quan tâm đầu tư các tuyến đường sắt liên vùng.

Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai thi công và sẽ được nối dài đến Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các đô thị giữa TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Dự án sẽ giải quyết được nhu cầu vận chuyển hành khách công cộng giữa 3 địa phương về lâu dài. Bên cạnh đó, dự án còn tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược xây dựng và phát triển đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần giảm áp lực dân cư và ùn tắc giao thông cho TP. Hồ Chí Minh.

"Đòn bẩy" cho bất động sản gia tăng giá trị

Có thể nói, việc hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản, đồng bộ chính là nền tảng thúc đẩy bất động sản tăng giá. Khi quyết định "xuống tiền" cho những sản phẩm bất động sản tại khu vực này, bạn không chỉ sở hữu một nơi an cư hiện đại, văn minh mà còn nắm chắc cơ hội đầu tư sinh lời cực kỳ hiệu quả. Mời bạn tham khảo những dự án đẹp - chất lượng của Địa ốc Nam Dương tại đây: https://tapdoannamduong.com/du-an/

Nguồn tin: Báo Bình Dương