Bình Dương chi vốn "khủng" nâng cấp hạ tầng giao thông
- Thứ ba - 26/04/2022 14:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giữa tháng 4/2022, trao đổi với báo chí, đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương này đã và đang triển khai các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo lực đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài các dự án mở rộng đường huyết mạch nội tỉnh, Bình Dương đang phối hợp với các tỉnh, thành khác để xây dựng các tuyến đường liên kết vùng. Đây sẽ là tiền đề để bất động sản Bình Dương nhanh chóng gia tăng giá trị trong thời gian tới.
Cụ thể, tỉnh đã thành lập 6 Tổ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, bao gồm: dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; dự án triển khai đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Phú Giáo - Chơn Thành; dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747b, ĐT 743; dự án xây đường Vành đai 4 và dự án nút giao Sóng Thần với đường Phạm Văn Đồng, TP. HCM; dự án xây đường Vành đai 3 TP. HCM.
1. Đường Vành đai 3 TP. HCM
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 92km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 25,92km; đoạn đi trùng với đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe, đoạn chưa đầu tư dài 10,62km. Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị hoàn chỉnh thủ tục đường Vành đai 3 đến tháng 5 và tháng 6 năm 2022 là phải tiến hành đền bù, giải tỏa mặt bằng để thực hiện dự án.
Tổng mức đầu tư tuyến Vành đai 3 đi qua Bình Dương là 19.280 tỷ đồng. Tại kỳ họp lần thứ 4 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, HĐND tỉnh đã thống nhất việc đầu tư và cam kết bảo đảm nguồn vốn ngân sách tham gia thực hiện dự án đoạn qua địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngân sách Trung ương chi 9.640 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh chi 9.640 tỷ đồng.
2. Đường Vành đai 4 TP. HCM
Dự án đường Vành đai 4 TP. HCM có tổng chiều dài toàn tuyến 199km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Bình Dương đã đầu tư được khoảng 26,64km với quy mô từ 4 đến 10 làn xe.
Hiện tại, Bình Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư 22,1km còn lại của đường Vành đai 4 bằng nguồn vốn hỗn hợp, nghĩa là thực hiện giải phóng mặt bằng và kêu gọi xã hội hóa chi phí xây dựng, các doanh nghiệp hạch toán chi phí xây dựng vào chi phí đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư dọc theo đường Vành đai 4. Tổng mức đầu tư khoảng 24.697 tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 02/09/2022 sẽ khởi công thực hiện đoạn còn lại của đường Vành đai 4.
3. Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Phú Giáo - Chơn Thành
Đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Phú Giáo - Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 70km; trong đó đoạn qua TP. HCM khoảng 1,5km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 57km, đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 11,5km. Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án này. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 36.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để triển khai giải phóng mặt bằng dự án trong năm 2023.
Cơ cấu tuyến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Phú Giáo - Chơn Thành:
♦ Đoạn tuyến nối cao tốc có điểm đầu tại Km0+000 nút giao Gò Dưa (Vành đai 2 TP. HCM); điểm cuối tại Km8+600 (nút giao ĐT 743A với đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn); đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h: sẽ giữ nguyên hiện trạng với quy mô từ 6 đến 8 làn xe, mặt cắt 36m÷43,5m; xử lý các giao lộ có lưu lượng phương tiện giao thông lớn bằng nút giao khác mức.
♦ Đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu tại nút giao ĐT 743A với đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; điểm cuối Km68+700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành; đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120km/h:
+ Đoạn từ đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn đến Km16+000 (gần cầu Khánh Vân): đường cao tốc đi trên cao với quy mô 4 làn xe hoàn thiện, 2 làn xe dừng khẩn cấp (24,5m).
+ Đoạn từ Km16+000 đến cuối tuyến: đường cao tốc đi dưới mặt đất, quy mô 4 làn xe cao tốc, 2 làn xe khẩn cấp.
4. Mở rộng Quốc lộ 13
Ngày 26/04/2022, Bình Dương đã chính thức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 từ 6 làn xe lên 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m cho đoạn từ ranh giới TP. HCM đến giáp TP. Thủ Dầu Một dài 12,64km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.367 tỷ đồng, hứa hẹn mở ra diện mạo mới, cơ hội mới để Bình Dương tăng cường kết nối liên vùng.
Hiện tại, Quốc lộ 13 không chỉ đóng vai trò là trục "xương sống" của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương mà còn là tuyến đường huyết mạch nối TP. Hồ Chí Minh đi Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Dự án đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 62km được đưa vào sử dụng nhiều năm nay đã góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp, đô thị của tỉnh Bình Dương nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
5. Nâng cấp tuyến Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn
Đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn một trong những trục giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất của tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài toàn tuyến là 62km, bắt đầu từ ngã ba Tân Vạn, TP. Dĩ An đến huyện Bàu Bàng với tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng.
Sắp tới, Bình Dương sẽ triển khai các dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường này: xây 8 hầm chui (hoặc cầu vượt) tuyến chính, 9 hầm chui dân sinh, 8 cầu vượt bộ hành, 11,7km đường gom, xây dựng trạm thu phí phường An Phú (TP. Thuận An). Ngoài ra còn sửa chữa đoạn từ Km0+0.00 - Km26+170; thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng sửa chữa hàng năm; trùng tu; đại tu cho các hạng mục giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.258,603 tỷ đồng.
Theo Báo Tiền Phong và Dân Việt